Một ngày nào đó, bạn sẽ cảm thấy ra sao nếu những vấn đề mà bạn chưa giải quyết được trong gia đình, trong công việc, từ tuổi thơ, từ những mối quan hệ cũ… đồng loạt trỗi dậy thông qua một tương tác nào đó? Nếu người trong tương tác đó nói thẳng vấn đề mà họ nhìn thấy cho bạn nghe, thì bạn sẽ làm gì? Bạn chọn can đảm tháo gỡ từng gai nhọn đau thương, hay quay lưng bỏ chạy như hàng trăm lần trước đây? Trong chuỗi bài viết về hành trình phát triển bản thân, mình muốn thủ thỉ với bạn về một điều can đảm mà bất cứ ai cũng phải trải qua để trưởng thành: chấp nhận “không trọn vẹn” là một trạng thái bình thường và phá khỏi vỏ bọc quen thuộc cố hữu để đập cánh tung bay.
Bạn đang ở đâu trên hành trình phát triển bản thân ở cả vẻ ngoài lẫn tâm thức? Ảnh: Good morning Sophie.
Hãy nhận ra “red flags” trong mặt nhận thức và trong những mối quan hệ độc hại
Dần dần, nếu tĩnh lặng, bạn sẽ nhận thức đúng như bản chất của nó và chịu chấp nhận rằng bản thân luôn có thể sai, cũng như người khác không ác ý với chúng ta nhiều như chúng ta tưởng. Lúc đó bạn sẽ tự hỏi mình rằng vì sao ngày trước khi đối mặt với cái mà chúng ta cho là bất công, chúng ta lại thấy khó chịu tâm can đến như vậy? Vì lẽ gì mà giả ngã lại kêu gào sự nâng niu và mong muốn được nhiều hơn chút cái gọi là quan tâm và trọng dụng?
Thời đại ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ, người ta dễ dàng biểu đạt suy nghĩ của mình, nhưng đồng thời cũng dễ bị ảnh hưởng và dẫn dắt hơn bởi dư luận. Nghe nhiều một thứ gì đó thì sẽ thành quen, và trớ trêu thay, những nội dung tiêu cực hình như lại nhiều hơn nội dung tích cực. Thay vì nói về những câu chuyện tốt đẹp khơi gợi lòng tốt và sự thiện lương, nhiều khi chủ đề được nhắc đến trên trang cá nhân hoặc bàn cà phê lại là chuyện tiêu cực được thổi phồng để thêm phần kịch tích. Khi thấy “thế giới xung quanh mình” là một tập thể của những bất an và những người bất ổn, cơ chế phòng vệ sẽ hoạt động ngày càng mạnh mẽ.
Cơ chế phòng vệ là những phản ứng tâm lý vô thức nhằm bảo vệ con người khỏi những cảm giác lo âu, những mối đe dọa, và các thứ khác mà cá nhân không muốn nghĩ đến hay không muốn xử lý.
Cơ chế này sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hiểm và bất an ngoài cuộc sống. Tuy nhiên cái gì nhiều quá cũng không tốt. Quá phụ thuộc vào cơ chế phòng vệ để xử lý khủng hoảng, trái lại, lại mang đến nhiều rủi ro hơn.
Trên hành trình phát triển bản thân, hãy nhớ rằng những mối quan hệ lành mạnh là cách tốt để kéo bạn thoát khỏi thế giới của red flags. Ảnh: Good morning Sophie.
Xem thêm: Phát triển bản thân – Phần 2: Làm thế nào để thấu hiểu bản thân? |
Ra đi để trở về
Đôi khi sự tạm ngắt kết nối hoặc kế thúc là vô cùng cần thiết, nhất là khi những người tương tác trong mối quan hệ đó rơi vào tần số năng lượng thấp và chưa chữa lành được bản thân. Nếu chúng ta mãi ngủ trong kén êm quen thuộc thì sẽ chết luôn tại đó mà không kịp biến mình.
Mình thích biểu tượng vô cực (Infinity), tin rằng luôn có biện pháp để giải quyết vấn đề và một niềm tin bất diệt vào điều kỳ diệu của cuộc sống. Ảnh: Good morning Sophie.
Hôm qua, một cô bạn gửi mình câu chuyện trên mạng về mối tình âm ỷ đã có kết thúc có hậu sau quãng thời gian dài. Cô ấy nói: “Thiệt làm người ta muốn tin vào tình yêu đích thực mà”. Mình thì luôn tin vào tình yêu đích thực nếu nó thật là đích thực. Mình tin rằng “người còn yêu nhau sẽ trở về với nhau, và tình yêu còn mãi riêng dành”, như câu hát trong bài hát “Điều hoang đường nhất” của nhạc sĩ Đỗ Bảo do ca sĩ Khánh Linh trình bày. Mình đã nghe bài này từ những năm đôi mươi khi chưa biết tình cảm nam nữ là gì, và cho đến tận bây giờ, khi nhìn những hoan ca và nứt gãy của bạn bè xung quanh mà lặng yên suy ngẫm về thế nhân.
Mọi chuyện đến với chúng ta đều là chuyện tốt.
Hãy xem kết thúc là cú đẩy của vũ trụ để thúc đẩy sự khởi đầu, chuyển mình mới. Còn điều gì tốt hơn cách mở rộng vòng tay và mở lòng đón nhận mọi điều đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Chấp nhận những khó khăn và cám ơn những thử thách, cố gắng nhìn thấy ý nghĩa ẩn sau những sương mù mờ ảo của số phận là cách chúng ta phá kén nhanh nhất. Điều này đúng cho mọi chuyện chứ không chỉ là duyên phận giữa người với người.
Chờ vết thương kia sẽ mau lành
Hạnh phúc kia rồi sẽ mau thành
Người còn yêu nhau sẽ trở về với nhau
Và tình yêu còn mãi riêng dành.
(Điều hoang đường nhất – Đỗ Bảo)
Mình nghĩ khi chúng ta thật sự hiểu được ý nghĩa sau những chuyến đi xa để nhận thấy đâu là quan trọng nhất với mình và rồi quyết tâm ôm lấy điều quan trọng ấy, thì niềm tin vào “điều hoang đường nhất” sẽ trở thành “điều tuyệt vời nhất”. Sẽ không là viển vông khi lúc đó những tổn thương trong tâm hồn và niềm tin sai lầm hình thành nên cái tôi giả đã được cải biến.
Xem thêm: 6 tư duy tích cực giúp mình tin rằng năm mới 2025 sẽ vô cùng tuyệt vời! |