Nhận thức của mình về mọi thứ của cuộc đời đã có sự biến đổi mãnh liệt trong đoạn thời gian gần đây. Đó là kết quả của quá trình nhìn nhận, cảm thụ, phân tích, đánh giá những chi tiết vận hành của mọi thứ đang tác động đến cuộc sống của mình. Ở mức độ hiểu biết hiện tại của bản thân, mình hiểu được nguyên nhân của sự kiện và nhẹ nhõm khi đón nhận chúng với cái nhìn trung dung nhất.
Không còn đặt câu hỏi “Tại sao tôi lại…?”
Trong những hoàn cảnh không như ý, chúng ta sẽ thường hỏi “tại sao”: tại sao điều này lại xảy ra với mình, tại sao nó không như thế kia, tại sao người này lại như vậy…? Bản chất của những thắc mắc này mang đầy tâm lý oán trách, thấy cuộc đời là bất công với mình, nghĩ rằng mình cần nhận được những điều tốt hơn. Rõ ràng dù không có một đối tượng để so sánh thì mình cũng đang đố kỵ với những ai hạnh phúc hơn. Vậy những câu hỏi tại sao này có đem lại lợi ích gì không, hay chúng chỉ kích động trạng thái bất mãn của ta?
Mình dành nhiều ngày để tĩnh lặng và nghĩ về những người xung quanh. Thay vì nghĩ về những điều hạnh phúc mà họ đang thể hiện, mình nhìn về những nỗi đau của họ. Trăm số phận, ngàn vạn nỗi lo và khổ đau khác nhau. Không ai có một cuộc đời hoàn hảo, và khái niệm hoàn hảo cũng mơ hồ như trăng nơi đáy nước. Khi đứng ở vị trí của họ và cảm nhận những đau khổ mà họ đã hoặc đang vượt qua, mình không còn đặt câu hỏi tại sao trước những vấn đề của mình nữa.
Những câu hỏi bị gạch bỏ trong góc nhìn mới
Khả năng thấu cảm của mình không hề thấp. Nhưng nó chỉ phát huy tốt nhất với những người mình vừa gặp, hoặc với những người mình không thân. Sau nhiều năm suy nghĩ, mình mới nhận ra rằng vì trong cái tình của mình dành cho những ai mình quan tâm, luôn có “tư” trong đó. Mình yêu thương họ để làm gì? Rõ ràng, để họ cũng yêu thương lại mình. Đó là một tình yêu có điều kiện. Trong quyển “Power vs. Force” của Tiến sĩ David R. Hawkins, ở phần “Cấp độ năng lượng 500: Tình yêu” có nói rõ “tình yêu được bàn ở đây không giống như thứ tình yêu được truyền thông rộng rãi trong xã hội”. Khi đối chiếu với tiêu chuẩn “Chân – Thiện – Nhẫn” mình đang thực hành, mình hiểu rằng “tình yêu” ớ mức năng lượng cao đó thật ra chính là “từ bi”. Bởi một tình yêu có điều kiện vẫn sẽ quẩn quanh trong đòi hỏi, kỳ vọng, tức giận ngầm và những phụ thuộc được nguỵ trang.
Hiểu rõ những điều này khiến lòng mình thảnh thơi. Một dòng nước êm dịu chảy ngang trái tim mình, mang âm hưởng của những bản nhạc không lời Passacaglia, Bo’s Theme,… Không còn “tôi” ở vai diễn nạn nhân nữa, chuyển thành một “tôi” chủ động và mang đầy đủ năng lực để giải quyết những vấn đề đang và sẽ đến với bản thân mình. Một “tôi” trưởng thành hơn, bao dung hơn và muốn vì người khác hơn.
Thay đổi câu hỏi về cuộc đời
Khi không còn đặt bản thân ở trung tâm của mọi vấn đề, mình mới có thể lùi một bước để mình toàn cảnh bức tranh thực tế. Mình vẫn đặt câu hỏi, nhưng ở mô thức khác. Rồi mình nhận ra rằng mình có trách nhiệm với mọi thứ mình gặp phải và hướng giải quyết chỉ có khi mình đặt quyền lợi của người khác lên trước, ví dụ:
- Câu chuyện này nói ra có khiến cho ai tổn thương hay không? Cần phải nói như thế nào để bản thân ở đúng vai trò là người quan sát?
- Mục đích mà chúng ta đang hướng đến là gì? Làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho mọi người? Hướng đi đó có trực diện không hay chúng ta đang mò mẫm vì không hiểu ý nhau?
- Xin hãy nói cho em biết anh/chị/cô/chú… đang nghĩ gì, mong muốn gì và cần em giúp điều gì? Em muốn hiểu trên cơ điểm của mọi người để có thể đối xử với mọi người theo cách mà mọi người cảm thấy trân trọng nhất.
- Anh/chị/cô/chú… có kinh nghiệm gì với…? Liệu em có thể học hỏi, hỗ trợ gì được hay không?
- Điều này xảy ra để mình nhận ra vấn đề gì? Có cái gì đang chưa ổn trong tiến trình của nó hay không? Mình đang có những gì và có thể làm gì để giúp chuyện này tốt hơn?
- Mình có đang áp đặt quan điểm của mình lên người khác hay không?
- Mình đã làm hết khả năng của mình để giúp người khác hay chưa?
- Mình có yêu thương và trân quý những người xung quanh như cách họ xứng đáng nhận được hay không?
- Mình có đang xem những điều họ làm với mình là hiển nhiên không?
- Sự giúp đỡ của mình có lý trí không? Mình có nóng vội quá không? Mình nên giúp họ như thế nào?
….
Để thực sự hiểu cho người khác, trước hết mình phải chấp nhận bản thân mình và tôn trọng chính mình. Mình chấp nhận rằng mình sâu sắc hơn vẻ ngoài mình thể hiện và không ngại ngùng thể hiện sự sâu sắc ấy. Đã khác cái thời trước đây, khi mình tìm mọi cách che giấu sự sâu sắc chỉ vì sợ người xung quanh không hiểu được mình. Sự tĩnh lặng cho mình biết rằng mình ổn ngay cả khi người khác khác quan điểm hay góc nhìn với mình. Ánh sáng của chân lý và sự yên bình vẫn theo mình mỗi ngày, miễn là mình sống đúng đắn.
Góc nhìn này vẫn mở rộng hơn theo mỗi ngày. Nhìn tưởng đơn giản nhưng không đơn giản chút nào. Sự đơn giản này theo cấp bậc thăng tiến thì ngày một rõ ràng hơn. Tuy vẫn là không biết cách diễn đạt hết những lĩnh hội của mình, nhưng mình hạnh phúc vì bản thân tỉnh thức hơn qua từng phút giây.
Xin cám ơn những điều đã qua và những điều sắp tới, xin trân trọng những điều hiện tại.
Thương mến,
Sophie.
Gửi tặng mọi người bản Passacaglia: