Ngày trước, sự chú tâm của mình phần lớn đặt vào người khác và những câu chuyện trong cuộc sống. Vì không biết cách lắng nghe nhu cầu chính mình, nên tất nhiên với những điểm tốt / điểm yếu của bản thân cũng sẽ lờ mờ. Thời đó, càng thấy bất ổn thì mình càng hướng ra ngoài để giải quyết vấn đề của mọi người xung quanh. Sau cùng mình cảm thấy rất mất năng lượng, chênh vênh và mệt mỏi. Nhiều người tìm đến mình để xin lời khuyên nhưng mình vẫn tồn tại hoài nghi khi nghĩ về sự thấu hiểu bản thân của chính mình.
Mỗi ngày qua đi, mình vẫn lo cho những vấn đề của người khác, quan tâm mọi khía cạnh của mối quan hệ con người và muốn giúp cho thế giới xung quanh tốt hơn từng ngày. Nhưng như những lỗ trống trong củ sen, mình bước qua từng ngày vui vẻ mà vẫn có những khoảnh khắc hoang mang về nhiều điều trong chính mình. Những lỗ trống ấy không thể được lấp đầy bằng cách vươn ra bên ngoài…
Nghĩ cho người khác là tốt, nhưng nghĩ cho người khác khi chính mình cũng không hiểu được mình thì khác gì ánh nến đốt cháy bản thân để rọi sáng? Ánh sáng tỏa ra sẽ không lâu dài, và ánh nến cũng đến ngày cạn kiệt.
Vào giai đoạn đó, mình thấy ánh sáng của bản thân yếu đi nhiều. Không phải là vấn đề sức khỏe hay vật chất, mà chính là niềm tin vào bản thân và những giá trị quan trước giờ mình hằng theo đuổi. May mắn thay, những người bạn tốt đã liên tục nhắc rằng mình đáng quý và đáng giá thế nào. Họ nói mình vốn là ánh mặt trời, chỉ có thể tỏa sáng vô tư khi không phụ thuộc vào người khác. Nhưng dù bạn bè động viên thế nào, dù chính mình tự trấn an bản thân ra sao, thì nỗi thất vọng và trống rỗng vẫn dâng lên ngày một mạnh mẽ.
Cuối cùng, mình ngồi xuống ôm lấy bản thân và bắt đầu tự: “Mình đang như thế nào? Mình cần làm gì để tìm về chính mình?”
Xem thêm: Phát triển bản thân – Phần 1: Làm sao để không dằn vặt bản thân nhiều nữa?
1. Thấu hiểu bản thân bắt đầu từ hướng nội
“Thương người như thể thương thân”. Nhưng “thương thân” như thế nào cũng chưa rõ thì sao có thể “thương người”?
Yêu thương bản thân đúng cách khác hẳn với sự ích kỷ, chỉ mưu lợi cho bản thân. Thương chính mình nghĩa là chúng ta cần phải hiểu bản thân mình là ai để chấp nhận mọi mặt tốt/xấu mình đang có, sau đó mong muốn phát triển bản thể tốt hơn. Nếu không đủ can đảm nhìn thật sâu vào bản thân, bạn sẽ dễ đi theo những ảo ảnh hay định danh mà xã hội đã gán lên mình.
Chấp nhận quá trình hướng nội là bước đầu thành công trong tiến trình làm việc với bản thân.
Trắc nghiệm tính cách, DISC, sinh trắc vân tay, thần số học, coaching với chuyên gia… sẽ bổ trợ bạn một phần nào đó trong hành trình này, nhưng đừng quên rằng không ai hiểu bạn rõ hơn chính bạn. Quá trình kết nối với nội tâm là quá trình khó nhất nhưng cũng xứng đáng nhất, nó cho bạn câu trả lời tỏ tường và minh xác đến nỗi sau khi có được, bạn sẽ nhận ra mình bước trên một con đường khác hẳn. Một con đường được rọi sáng bởi tự mình, bền vững và truyền cảm hứng được đến cả những người xung quanh.
Mình gọi quá trình kết nối với bản thân là quá trình hướng nội. Nghĩ sâu sắc về chính mình, câu chuyện của mình và gạt mọi yếu tố bên ngoài. Không đặt câu hỏi “Tại sao tôi phải nhận điều đó?” mà bắt đầu phân tích rằng: “Điều này xảy ra vì bên trong mình đang có yếu tố nào chưa đúng đắn?” Khi chúng ta không còn trong tâm thái “nạn nhân” thì mới sáng suốt nhìn mọi chuyện dưới góc nhìn khách quan và đa chiều.
Xem thêm: Một con đường mới
2. Tập trung vào ai?
Bạn cùng mình nhìn vào tấm ảnh film mình chụp vào cuối năm 2019 bằng máy NIKON FG của mình nhé. Một tấm hình mờ nhạt với chủ điểm là em chó ở đằng sau. Với một đứa mê em bé như mình thì rõ ràng đây là một bức ảnh chụp hư. Tất cả chỉ vì mình bắt nét sai trước khi bấm nút chụp.
“Tách”, máy film đã chụp là không thể thu hồi. Điều này có gì khác với cách chúng ta phản ứng với cuộc đời mình hay không? Nếu ngay lúc này, chúng ta không nhìn vào bản thân, mà lại tập trung vào người khác với mong muốn “Họ thay đổi, mình sẽ thay đổi” thì mọi chuyện sẽ ra sao?
Có đôi khi bạn cũng nghĩ rằng mình đang tập trung vào bản thân để giải quyết vấn đề rất tốt, nhưng thực tế vẫn là nhìn ra bên ngoài để tìm lý do. Tỷ dụ thế này nhé:
- A, mình thay đổi tư tưởng rồi nè, mình biết vấn đề của mình rồi. Nhưng mà người ta mới quá đáng, người ta mới cần thay đổi hơn, vấn đề của mình nhẹ hơn người ta cơ mà.
- Mình thay đổi rồi, không nghĩ như thế nữa, nhưng mà mình thử nhìn xem người ta có thay đổi chưa…?
- Ớ, mình thay đổi rồi nè, vậy chuyện này đã thay đổi chưa? Khi nào nó mới thay đổi?
- Sao mình thay đổi rồi mà mọi chuyện không khác đi như cách mình muốn?
Muốn hướng nội tốt, mình nghĩ đầu tiên cần phải dừng lại những tiếng nói trong tâm trí. Cuộc sống có quá nhiều vấn đề cần bận tâm khiến chúng ta gần như không lúc nào thật sự ngơi nghỉ. Cái chúng ta tập trung vào không phải là chính mình nữa, mà là cái nhìn của xã hội.
Xem thêm: Dear Me
3. Xác định giá trị đạo đức và tư tưởng đúng đắn
Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần nhận định rằng tư tưởng đúng đắn không phải là một vấn đề trí dục mà thôi, thực ra là cả vấn đề thể dục và đức dục nữa.
Kẻ đau yếu, tật bệnh ít khi có được một phán đoán vững vàng, người mà tính tình bôn chôn, vụt chạc và đầy dục vọng làm gì suy nghĩ cho công minh.
(Thuật tư tưởng – Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Có rất nhiều cách để cải thiện sức khỏe mà bạn có thể thử, bất cứ môn nào thấy phù hợp thì hãy kiên trì luyện tập. Mình thích những môn luyện trong tĩnh, nên mình thực hành khí công và thiền. Trong nghiên cứu khoa học cũng nhận định thiền rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Bơi lội cũng là một môn mình muốn chinh phục để vượt qua chứng sợ nước và sợ ngạt nước của bản thân. Ngoài ra, mình luôn cố gắng đi bộ mỗi ngày 20 phút bởi đó là khoảng thời gian để mình thư giãn, suy ngẫm và tìm những ý tưởng mới.
Bạn nhất định phải nhớ rằng gặp chuyện gì cũng đừng nên hoảng hốt, phải bình tĩnh thì mới sáng suốt để nhìn ra vấn đề. Thứ hai nữa là phải có tiêu chuẩn đạo đức để ước thúc. Từ khi biết làm người cần theo đuổi những giá trị đạo đức gì, cần đối đãi với những người xung quanh bằng thiện tâm ra sao, với xung đột giữa lợi ích thì cần hành xử theo cách nào, với mọi điều xảy đến thì nhẫn chịu ra làm sao… mình thấy được soi sáng ở mọi mặt. Có tiêu chuẩn đạo đức giúp mình tự định hướng hành động, suy nghĩ và lời nói của bản thân, thời thời chiểu theo những giá trị mình tin tưởng mà tiến tới mục đích cao hơn.
Có một tiêu chuẩn đạo đức để ước thúc còn giúp mình nhìn nhận rõ ràng mọi thứ hơn, đặc biệt là biết cách phân biệt tốt – xấu. Nếu sống như “bèo nước trôi sông”, chúng ta sẽ rất dễ thuận theo những sai trái của người khác, sau dần sẽ mơ hồ ngay trong giá trị niềm tin của mình.
4. Nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của chính mình
Hành trình thấu hiểu bản thân sẽ rất dài và chông gai, cần rất nhiều can đảm để đối mặt với những phần bên trong con người mà chúng ta có thể sợ hãi. Trong quyển “Thuật tư tưởng”, học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần có viết rằng:
Một nhà tư tưởng có nói: “Cần thiết là thấy được sự vật y như nó đã xảy ra, chớ không nên thấy nó theo như ý ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào”.
Nhìn vào chỗ thiếu sót của mình, mình cho rằng không khác gì nhìn vào những “sự thật trần truồng”. Khi đối chiếu với những giá trị đạo đức cao, thì có lẽ cái sai, điều quấy của bản thân càng khiến ta chấn động. Vì sao? Vì lẽ thường ta dễ tìm mọi cách để che đậy (t)ham muốn của bản thân, thường ngụy biện cho những dục vọng không bờ bến của chính mình, để cứ lười biếng, ích kỷ, tự phụ, u mê…
Xem thêm: Niềm kỳ vọng hư ảo
5. Chấp nhận và không phán xét bản thân
Chúng ta lớn lên với rất nhiều loại quan niệm được ảnh hưởng bởi con người và môi trường xung quanh. Nhưng đáng tiếc thay, chính những định kiến này sẽ gây trở ngại cho con đường phát triển bản thân của mỗi người.
6. Viết nhật ký
Theo dõi và viết lại hành động, cảm xúc, suy nghĩ của mình mỗi ngày sẽ cho bạn bức tranh toàn cảnh về con người của mình. Trong một ngày, số suy nghĩ lướt trong đầu chúng ta là rất nhiều. Khi chăm chỉ lưu lại trên giấy, bạn sẽ bất ngờ với những gì đại não của mình diễn hóa, những gì không rõ ràng cũng rõ ràng hơn.
Bằng cách theo dõi mọi diễn tiến trong tâm từ sổ Nhật ký, bạn cũng kịp thời nắm được những suy nghĩ tiêu cực của mình sẽ xuất phát từ những tình huống nào, đồng thời ghi nhận được những điều tích cực khiến mình biến đổi tâm trạng trong nháy mắt. Viết nhật ký cũng giúp bạn không đi chệch khỏi mục tiêu đã đặt ra của chính mình. Nhiều người cho rằng viết nhật ký là cách tốt để làm bạn với chính mình.
Xem thêm: Mọi việc dưới trời có kỳ định
Rũ bỏ những tư tưởng, niềm tin cũ để can đảm đón nhận một phiên bản mới tốt hơn là điều rất khó, nhưng nó là một phần của quá trình thấu hiểu bản thân. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có đủ nội lực để đi con đường này. Vì thế, nếu bạn quyết định bước vào hành trình này, mình mong bạn sẽ “chân cứng đá mềm”. Mỗi khi nản lòng, hãy nghĩ đến lý do vì sao bắt đầu.
Sau một thời gian làm việc với chính mình, bạn hãy trầm tĩnh ngồi lại để nhìn nhận nhé. Lúc ấy bạn sẽ ngạc nhiên mà thấy rằng cuộc sống của mình ngày một tươi sáng và nhẹ nhàng hơn, mối quan hệ với bản thân và mọi người xung quanh trở nên dễ chịu vô cùng.
Vậy thôi, mình mong nghe được những chia sẻ của bạn trên con đường quan trọng này. Cố gắng lên bạn nhé!