Nếu bạn muốn làm một cái gì đó, phải cần lên kế hoạch và bắt tay vào theo đúng lộ trình đã đề ra. Khi bạn để cho những lý do làm gián đoạn hay quên lãng điều bạn muốn làm, thì đó chính là thói trì hoãn. Đó là định nghĩa đơn giản nhát mà mình tự đặt ra cho bản thân.
Xem thêm: Phát triển bản thân – Phần 1: Làm sao để không dằn vặt bản thân nhiều nữa?
Thói quen trì hoãn không phải là bạn
Mình không thích thói quen này tí nào. Rõ ràng nó hạn chế sự phát triển của bản thân mình ở mọi mặt. Dù là “công chúa thân thiện” thì mình cũng phải tuyên bố rằng: Thói quen trì hoãn chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là bạn của mình.
Nghĩ thử mà xem, những ý tưởng dù có hay đến mấy mà vẫn chỉ nằm trên môi, trên giấy hoặc trong đầu, thì chỉ là hạt giống chưa nảy mầm mà thôi. Thời gian cứ vùn vụt trôi đi và hạt giống thì ngày càng mất cơ hội phát triển hơn. Nếu thế thì ai mà biết chúng ta giỏi và có năng lực như thế nào? Chính chúng ta cũng sẽ thấy thất vọng và mất dần niềm tin vào bản thân khi biết rõ ràng mình có tài năng nhưng lại chẳng có gì trong tay để chứng minh cho điều đó.
Làm sao để thúc đẩy bản thân đứng lên và bắt tay hiện thực hoá vấn đề? Làm sao để những lý do này kia không ngăn trở tính thực thi của bản thân? Vì sao mình lại dễ lung lạc ý định hành động khi công việc sắp đến? Mình đã đặt hàng loạt câu hỏi tương tự như vậy cho bản thân, cuối cùng mình nhận ra rằng nghĩ nhiều chính là một vấn đề. Đôi khi việc tốt nhất và đầu tiên nhất mà chúng ta cần làm rất đơn giản:
Cứ làm thôi. Làm ngay khi ý tưởng đó đến. Đừng lo quá nhiều cho sự thành bại. Đừng đặt quá nhiều giả thiết.
Mình nhớ là từ hồi học cấp 1, mình đã thích sưu tầm những câu danh ngôn, ngạn ngữ hay và chép vào những quyển sổ nhỏ. Một mùa hè của năm lớp 4 hay lớp 5 gì đó, mình đã sưu tầm được câu ngạn ngữ này ở trang cuối của quyển vở đã viết xong:
Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy.
Ngạn ngữ Trung Quốc
Bấy lâu nay chưa khi nào mình quên câu này. Nhưng nhớ là một chuyện, làm sao để áp dụng vào bản thân mới là chuyện khó. Dĩ nhiên mình sao có thể chịu để cho bản thân vướng vào cái bẫy này của tâm trí. Chuyện gì cũng cần có phương pháp và thời gian, khắc phục thói quen trì hoãn và sự kháng cự cũng thế. Mình nhận ra rằng càng lấy lại sự chủ động trong mọi việc thì tính trì hoãn của mình càng giảm đi, và ngược lại cũng thế.
Xem thêm: Phát triển bản thân – Phần 2: Làm thế nào để thấu hiểu bản thân?
Vậy mình đã làm gì để khắc phục thói quen trì hoãn?
- Phải rõ ràng ý định. Càng rõ ràng trong suy nghĩ bao nhiêu thì kế hoạch của bạn sẽ càng sáng tỏ và chi tiết bấy nhiêu. Hãy lặp lại điều này ít nhất 3 lần: phải – rõ – ràng. Muốn rõ ràng thì bạn phải có tư tưởng đúng đắn.
- Viết ra giấy: cần thiết viết bằng tay lên giấy vì với mình đây là cách làm hiệu quả. Bạn có thể viết vào điện thoại, laptop, ipad….
- Có sổ Nhật ký và sổ kế hoạch. Từ những năm cấp 2 là mình đã dùng sổ kế hoạch rồi. Cuối mỗi tiết học, khi thầy cô dặn dò bài tập về nhà hay lịch kiểm tra, mình thường ghi chú vào quyển sổ nhỏ hoặc sổ kế hoạch (thời đó hay thích mua các số đặc biệt của Mực Tím hay Hoa Học Trò để được tặng sổ kế hoạch). Những quyển sổ kế hoạch này đã vẽ sẵn các ô ngày tháng và chừa chỗ để chùng ta ghi chú vào. Bạn sẽ không bao giờ quên công việc phải làm nếu sử dụng chúng. Ví dụ cuối tiết học Văn của chiều thứ 2, cô dặn về nhà học thuộc đoạn thơ nào đó và sẽ có bài kiểm tra miệng vào tiết Văn của sáng thứ 5 thì mình ghi chú hết những yêu cầu của cô vào ô của ngày thứ 5. Thế là cứ mở lịch ra thì sẽ thấy những việc cần làm. Rất hữu ích và càng làm càng thấy thú vị. Ngày đó mình thực sự thấy ngạc nhiên khi có những người quên bài học hay việc phải làm, vì mình không như thế.
- Rèn luyện tính tập trung: việc này yêu cầu bạn phải hiểu cơ thể mình. Mình làm trắc nghiệm và biết rằng bản thân chỉ tập trung liên tục được trong 2 giờ đồng hồ, sau đó cần phải có chút thời gian cho mình thư giãn. Do đó với những việc quan trọng, mình sẽ thu xếp làm đầu ngày. Ngồi xuống là làm ngay. Nhất là những vấn đề khó và bản thân có xu hướng trì hoãn. Trong lúc làm mình thường nghe nhạc cổ điển. Bạn cũng có thể thử để xem chúng có hiệu quả hay không. Lựa chọn đúng thể loại nhạc để nghe khi làm việc cũng quyết định khá nhiều tính tập trung cảm hứng đấy. mình thì thích nghe mấy bản nhạc của nhà soạn nhạc người Đức Felix Mendelssohn. Ông ấy là nhà soạn nhạc thuộc giai đoạn đầu thời kỳ của thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Không những sáng tác nhạc giỏi, ông còn là một hoạ sĩ có tài và kiến thức văn học của ông cũng cực kỳ to lớn. Hoặc mình cũng nghe nhạc của Shen Yun khi làm việc hoặc cần thư giãn. Âm nhạc thuần chính như một dòng suối mát lành chảy bên trong mình. Khi tâm thái an hoà, mình làm mọi việc đều dễ dàng.
- Lựa chọn một việc để làm mà thôi.
- Thực tế trong thao tác xác định thời gian hoàn thành công việc. Cho bản thân có khoảng nghỉ ngơi và nhìn lại mọi việc.
- Kiên nhẫn, bao dung, biết công nhận bản thân.
Càng khiến bản thân tuân thủ theo những lịch trình đã định ra, mình thấy cuộc sống của mình càng ngăn nắp và nhẹ nhàng hơn. Thật tuyệt vời khi có thể tống khứ “thói quen trì hoãn” ra khỏi cuộc sống của mình.
Bạn có thể là người lên ý tưởng, vậy hãy làm nó thật chỉn chu…
… và rồi tìm người thực thi cho bạn.
Điều này cũng khó chứ không đùa. Bài học của bạn lúc này là thật rõ ràng trong ý tưởng, lên kế hoạch logic và thuyết phục đối tác thực hiện chúng. Khiến người khác “tâm phục khẩu phục” mà tin vào những ý tưởng trên giấy là một thử thách đó. Nhưng chỉ cần có lòng kiên trì và thực tâm nghiêm túc bắt tay làm, thì mình tin rằng chúng ta sẽ đều gặp được những người cùng tần số mà thôi.
Bài học của mình trong những năm này chính là tìm một nhóm những người chung chí hướng, để rồi khi mình sáng tạo và chia sẻ ý tưởng thì sẽ có những người cùng đồng hành. Chà, bạn biết không, chính chúng ta là người bạn đồng hành đầu tiên và mãi mãi với bản thân đấy. Do đó, hãy chú ý bồi dưỡng bên trong và đừng quá lo lắng đến những điều bên ngoài. Khi mọi thứ bên trong chúng ta đã ổn, nhất định những nhân duyên và cơ hội tốt đẹp sẽ đến.
Xem thêm: Cây Tiêu Huyền
Vậy đó, mình đã không ngủ nướng vào buổi sáng chủ nhật để thực hiện kế hoạch ra quán cafe viết bài cho mọi người đọc nè. Sau khi tắm, ăn sáng xong thì chuẩn bị một hộp khoai lang, củ từ để bỏ vào balo, rồi tới quán cafe. Trưa chủ nhật tuần này nắng quá trời đất nên mình quyết định đi quán gần nhà thôi, vừa đảm bảo sức khoẻ lại tiết kiệm thời gian. Có lẽ đây cũng là bài học quý báu mình đã hoàn thành ở tuổi mới này: không tìm đến những điều quá xa xôi nữa. Không gian ở quán cafe cách nhà 2 km này vẫn sạch sẽ, thoáng đãng và lịch sự thì việc gì mình phải đi hơn 10km để đến một quán cùng chung hệ thống nhỉ? Đúng thật là “cảnh tuỳ tâm chuyển”, mình tâm đắc câu này vô cùng.
Bạn đang trì hoãn điều gì từ bao lâu nay thế? Bạn đã chịu đứng lên và làm chưa?