Phát triển bản thân – Phần 1: Làm sao để không dằn vặt bản thân nhiều nữa?

Ảnh: Good morning Sophie.

  • Vì sao mình hành xử tệ quá vậy?
  • Đáng ra mình không nên nói như thế, vì sao mình không kiểm soát được cảm xúc khi xúc động?
  • Mình phải làm sao bây giờ, mình không biết cách nói lên suy nghĩ cùa mình, làm sao để quay lại lúc đó đây?
  • Vậy là xong rồi, chuyện đó không thể nào thay đổi khác đi được rồi… tệ thật…

Tự trách bản thân là một trạng thái rất kỳ lạ, nó nằm giữa yêu và ghét. Nếu quen với trạng thái này quá lâu, bạn sẽ thấy chúng còn có thể gây nghiện. Tình trạng này kéo dài sẽ làm tinh thần bạn ngày càng kiệt quệ, lâu dần khiến bạn mất niềm tin vào chính mình.

Chúng ta đều luôn muốn sống một cuộc đời hạnh phúc hơn, vậy đã đến lúc thay đổi thói quen nhìn nhận bản thân quá cực đoan này rồi, phải không nào? Ảnh: Thuy Dang chụp mình năm mình làm đồ án tốt nghiệp Đại học.

Nếu có thể tách mình ra khỏi những bất an nội tại và hàng loạt suy nghĩ tự trách chính mình, bạn sẽ ngỡ ngàng khi cảm nhận một dòng chảy mát lành len lỏi trong lòng. Lúc đó, bạn sẽ thấu rõ rằng mọi việc không tệ như mình nghĩ, chỉ là bạn đang quá tập trung vào những điều trúc trắc mà thôi.

Vì sao bạn không ngừng trách móc bản thân về những điều đã qua?

Mình nghĩ việc trách móc bản thân quá mức đến từ thói quen suy nghĩ quá nhiều, để tâm đến những điều người khác đánh giá về mình và không chấp nhận được sự thật. Khái quát hơn thì nó là dấu hiệu nội tâm đang không mạnh mẽ.

Đừng hoảng sợ nếu bạn phát hiện bản thân mình đang như vậy. Hãy thấy mừng vì đây là lúc bạn có thể nhận thức những nguyên nhân gây ra nó và loại bỏ nó ra khỏi cuộc đời mình.

Nghĩ quá nhiều về điều gì đó cũng khiến nó càng khó dừng lại.

Nếu cách giáo dục từ gia đình hoặc trường lớp của bạn quá nghiêm khắc, bạn cũng sẽ dễ trách cứ chính mình hơn bình thường. Một người bạn của mình từng cho rằng nghiêm khắc với bản thân sau thất bại là tốt vì chúng sẽ trở thành động lực thúc đẩy bản thân quyết tâm hơn. Mình rất đồng ý, với điều kiện đó là sự nhìn nhận thẳng thắn và bao dung. Còn nếu bạn thấy tâm trí mình đang không ngừng lặp đi lặp lại những câu nói trách móc và đổ lỗi cho chính mình thì hãy dừng lại! Đèn báo động đang sáng, bạn đang từng bước hủy hoại niềm tin về bản thân mình.

Xem thêm: Một con đường mới

Cách để không dằn vặt bản thân thêm nữa

Ngay lập tức bảo bạn nghĩ về những điều cần biết ơn hoặc gạt bỏ ngay nỗi đau trong lòng là điều không thực tế. Mình đã từng trải nghiệm rất sâu sắc tình huống này nên mình biết rằng dù tâm trí bảo: “Đừng buồn và dằn vặt bản thân nữa” nhưng nước mắt vẫn chảy và lòng vẫn quặn thắt từng cơn. 

Thay vào đó, mình nghĩ chúng ta phải có một danh sách những việc cần làm cụ thể. Sau đây là những hành động giúp mình rất nhiều khi cần vực dậy tinh thần:

1. Ra ngoài đi dạo hoặc tập trung làm một việc gì đó bằng tay

Mình sẽ chọn một ai đó đáng tin cậy và mang năng lượng thoải mái. Hẹn họ ra ngoài, tốt nhất là đi dạo hoặc đến những nơi nhiều cây cối. Đứng lại và hít thở thật sâu, cho tới khi thấy thoải mái hơn.

Người Nhật có một phương pháp trị liệu tâm lý gọi là “Shinrin-yoku” (“Tắm rừng”), ra đời năm 1982 khi Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp khuyến khích con người duy trì lối sống gần gũi với thiên nhiên, hướng về lối sống tối giản để nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần. “Tắm rừng” nghĩa là bạn sẽ chìm vào không gian thiên nhiên, cảm nhận ánh sáng, mùi hương, không khí, làn gió, cảnh vật… mọi thứ trong rừng với sự tham gia của 5 giác quan. Một hành trình ngắt kết nối với những tiêu cực, tách khỏi cuộc sống vồn vã thường ngày và để bản thân kết nối sâu hơn với thiên nhiên, cũng chính là quá trình tìm về với con người thật bên trong mình.

Đừng nằm dài bạn nhé. Thực sự với kinh nghiệm của mình thì vào lúc tâm trạng càng trì trệ, bạn càng cần phải hoạt động đấy. Ảnh: Trong lớp học vẽ màu nước của mình hồi 2 năm trước.

Bạn cũng có thể thiền, vẽ tranh, thêu, đánh đàn, làm vườn, nấu ăn, tập thể dục… Những hoạt động này không phải đi xa và cũng không cần lên kế hoạch quá nhiều. Ý nghĩa của quá trình này là chúng ta để đầu óc được nghỉ ngơi khỏi nỗi lo và chuyến hướng cảm xúc sang một miền khác.

Xem thêm: Niềm kỳ vọng hư ảo

2. Đối mặt với suy nghĩ tiêu cực

Bạn phải xác định rằng tiếng nói tiêu cực trong tâm trí không phải là mình, bạn đang là người quan sát nó. Bạn cứ thử quan sát nó trong một buổi sáng hoặc cả ngày mà xem, chắc chắn bạn sẽ sốc khi thấy giọng nói đó thao thao bất tuyệt về đủ loại chuyện trên đời. Những nhận định của nó đưa ra thường là sai và chỉ dựa trên những niềm tin cũ kỹ.

Một khi những suy nghĩ dằn vặt bản thân đổ ập xuống người, bạn hãy bình tĩnh thở một hơi thật dài. Sau đó đặt cho mình những câu hỏi sau:

  • Ai đang nói những điều không hay này vậy?
  • Những ý nghĩ này có phải là điều mình thực sự muốn không?
  • Có phải ý nghĩ này đang cố kiểm soát mình không?
  • Mình sẽ tốn bao nhiêu năng lượng cho những suy nghĩ không tốt này nữa?

Cuối cùng, bạn sẽ phải thốt lên rằng:

Mình muốn loại bỏ nó ngay lập tức, mình không cần nó. Mình chọn một tâm trí nhẹ nhàng và thảnh thơi.

Câu nói khẳng định này ngay lập tức đưa bạn về vị trí chủ động. Tức là bạn đã đứng lên và tiễn người bạn-không-mong-đợi này ra khỏi cửa. Việc thực hành những bước này sẽ phải diễn ra mỗi ngày cho tới khi bạn biến nó thành thói quen. Làm được điều này sẽ giúp chúng ta vui vẻ hơn, tích cực hơn và đặc biệt là tỉnh thức hơn. 

Để nắm được rõ hơn thế nào là tiếng nói bên trong và cách tách nó khỏi bản thân mình, bạn có thể đọc quyển “Cởi trói linh hồn” của tác giả Michael A Singer. Một hôm nào đó chắc mình sẽ viết bài review về quyển sách này sau nhé.

Với lối viết linh hoạt và ngôn từ khích lệ, “Cởi trói linh hồn” đối với mình là một quyển sách dễ đọc và dễ thực hành. Với những ví dụ gần gũi và logic được tác giả đưa vào sách, càng đọc bạn sẽ càng nhận ra mình đang từng bước đi sâu vào nội tâm và biết cách vượt ra khỏi những giới hạn niềm tin mà mình đã vô tình xây dựng bấy lâu.

3. Tìm ai đó để chia sẻ những nỗi lo trong lòng

Sự căng thẳng và lo lắng sẽ gia tăng những vấn đề về tim mạch và ức chế khả năng miễn dịch. Tìm một ai đó bạn thấy an toàn để tâm sự về rắc rối mình đang gặp phải là cách tốt để giải phóng nó ra ngoài.

Để không dằn vặt bản thân và thoát khỏi cái bẫy tiêu cực của tâm trí, bạn nên chân thành chia sẻ những khúc mắc trong lòng với người mình tin tưởng. Ảnh: Good morning Sophie.

Nếu người mình muốn chia sẻ chung chính là đối tượng trong câu chuyện khúc mắt của mình thì càng tốt. Mình sẽ nói hết những suy nghĩ trong lòng mình, cố gắng nói ngắn gọn và dùng những từ ngữ nhẹ nhàng. Mình biết điều này khó vô cùng, đặc biệt nếu bạn là một người nhạy cảm và có xu hướng dễ lo âu như mình. Nhưng khó thì phải tập, không có gì là không thay đổi được. 

Một bí quyết nữa là trước khi tâm sự với đối phương về nỗi lo trong lòng, bạn có thể nói trước rằng:

Những lời con/em/mình sắp nói chỉ để diễn giải nỗi lo và những khúc mắc của bản thân. Con/em/mình không nói ra để đổ lỗi cho ai hết. Con/em/mình chỉ muốn chúng được nhìn nhận và được giải quyết mà thôi. 

4. Tìm phương pháp giải quyết

Đặt câu hỏi “Tại sao?” sẽ không giúp bạn giải quyết tình hình. Theo kinh nghiệm của mình thì chúng ta nên đặt những câu hỏi mở, mang tính định hướng. Đây cũng là một khía cạnh rất thiết thực cần học hỏi.

Để tìm hiểu sâu hơn, mình muốn giới thiệu với bạn quyển “Thay đổi câu hỏi, thay đổi cuộc đời” được viết bởi Tiến sĩ Marilee Adams. Quyển sách này mình được một chị bạn đang làm Tham vấn tâm lý gợi ý cho đọc. Chị ấy bảo mình có xu hướng lo lắng hơi nhiều. Mỗi khi lo lắng mình lại thường muốn giải quyết vấn đề ngay lập tức và dễ nói ra những điều thực tâm không nghĩ như vậy. Do đó mình rất cần học cách đặt câu hỏi để giải quyết vấn đề. 

Cá nhân mình thấy quyển sách này viết rất logic và dễ hiểu. Tác giả dẫn dắt câu chuyện rất tự nhiên và ngắn gọn, lại chỉ rõ từng bước thực hiện nên bạn chỉ cần làm theo lời gợi ý thì sẽ nhanh chóng nhận thấy sự biến đổi trong tư duy của mình.

Một số câu hỏi gợi ý trong sách trên đường chuyển từ “tự trách” sang “tìm hiểu:

  • Điều gì đang xảy ra?
  • Mình muốn gì?
  • Mình rút ra được điều gì?
  • Mình đang có những giả định gì?
  • Sự thật là gì?
  • Điều tốt nhất mình có thể làm bây giờ là gì?

Nhớ là tìm phương pháp mang tính xây dựng cho vấn đề bạn đang mắc phải, nhưng đừng cố thay đổi những điều đã xảy ra bạn nhé.

Xem thêm: Mọi việc dưới trời có kỳ định

5. Hãy yêu thương và bao dung

Phía sau đúng và sai có một cánh đồng. Ta sẽ đợi người ở đó.

– Rumi.

Yêu thương và bao dung chính bạn, cũng như làm điều ấy với người đang tương tác với bạn trong câu chuyện khiến bạn rối như tơ vò.

Mình biết còn hàng tỷ lời khuyên và các cách giải quyết khác nhưng hãy tin mình, rằng mọi chuyện đều có thể giải quyết nếu chúng ta thực tâm nghĩ cho đối phương. Quan điểm khác nhau hay sự tình tệ thế nào thì vẫn chỉ là chuyện đã xảy ra trong quá khứ mà thôi. Khi mọi điều đã qua đi, chúng ta sẽ thấy rằng chỉ cần “lùi một bước” và nghĩ cho người kia nhiều hơn, thì mọi việc đều sẽ khác rất nhiều rồi.

6. Buông bỏ – tâm thái cần có khi quyết định không dằn vặt bản thân thêm nữa

Buông bỏ là một loại trí huệ, là biểu hiện cho sự trưởng thành và tự tin. Khái niệm “buông” có lý trí hoàn toàn không phải cách buông xuôi mọi việc hoặc chạy trốn. Có nhiều khi bạn sẽ thấy như đang ở bước đường cùng, không thể giải quyết được vì càng làm mọi thứ càng rối. Việc chúng ta cần làm có lẽ chúng ta nên đứng lại và chuyển hướng. 

Một năm trước mình đọc một bài viết có tựa đề là: “Đời người nhiều khi không phải đến cuối cùng mà là đến ngã rẽ”, đọc thế nào lại thấy “ngã rẽ” thành “đường cùng”. Đúng là tâm thái khác nhau sẽ dẫn đến cách thấy khác nhau. Thời điểm đó mình chỉ biết “dấn thân” chứ chưa biết “rẽ hướng”, chỉ biết tiếp tục mà không chịu ngừng lại một thoáng…

Và rồi mình hiểu sâu sắc rằng nhiều giai đoạn trong cuộc đời phải học cách đi chậm lại. Chậm thật chậm để lĩnh ngộ mọi việc và chờ đến lúc mọi thứ được chuyển sang trang mới.

Mọi việc diễn ra đều có lý do. Cách hành động của chúng ta đều thể hiện đúng tâm thái của mình lúc đó. Nếu làm chưa tốt thì phân tích lại vấn đề, lần sau làm cho tốt. Mình tin rằng chỉ theo cách đó chúng ta mới có thể trưởng thành được nhanh và không mang theo tổn thương bên mình. 

Thở đều thở đều… không có gì là bế tắc cả… Bạn thân mến, mọi chuyện đều có cách giải quyết. 

Vậy nhé, chúc bạn sớm tìm được bình yên trong nội tâm và không còn dằn vặt với những điều bất toại ý nữa. Nếu bạn thực hành những điều này có kết quả, hoặc bạn muốn bổ sung thêm nhiều cách khác nữa thì đừng ngần ngại gửi tin nhắn cho mình liền nhé.

Thương mến.

Related posts

Phát triển bản thân – Phần 3: Dẹp bỏ thói quen trì hoãn

Phát triển bản thân – Phần 2: Làm thế nào để thấu hiểu bản thân?