Hồi nhỏ, mình đã thường tự ngồi hàng giờ mê mẩn vẽ lại hình ảnh trong truyện tranh (thường là những tập truyện miêu tả nhân vật như thần tiên) hoặc vẽ tiên nữ đang bưng đào tiên (được in trên đĩa trái cây của bàn thờ). Vẽ mãi, vẽ đến độ thuộc lòng nhưng vẫn thích vẽ đi vẽ lại những bức ấy. Cảm giác như càng vẽ thì bản thân càng được sống trong khung cảnh thần tiên đó, thấy mỹ diệu vô cùng. Từng nếp gấp của cánh tay, độ rủ của vạt trước, độ mềm mại quyện theo từng bước chân của tùng váy và cả những cụm mây trắng muốt như ẩn như hiện xung quanh… Hồi đó không định nghĩa được nghệ thuật là gì đâu, chỉ thấy hạnh phúc thôi.
Thời ấy hầu như nhà nào cũng có chiếc đĩa cô tiên, và sở thích vẽ cô tiên cũng không chỉ riêng mỗi mình mình là có. Nhưng với mình, chính quá trình vẽ cô tiên và sống trong miền bồng lai kỳ ảo đó đã đem lại cho mình khả năng cảm thụ vải và cách vẽ trang phục tự nhiên hơn trong quá trình học Thiết kế thời trang sau này.
Mình chưa từng tự hỏi bản thân vì sao không chán khi lặp lại sở thích ấy suốt thời thơ ấu. Chỉ đến khi mình bắt đầu học chơi đàn piano, luyện viết calligraphy, thì mình mới vỡ lẽ…
Bắt đầu từ những điều cơ bản và không ngừng luyện tập
Bạn có từng học môn nào trong 3 môn mình vừa kể trên chưa? Nếu có, bạn sẽ biết rằng không có con đường tắt để đến đỉnh vinh quang nếu bạn không bỏ tâm sức khổ luyện hàng giờ từ những bước căn bản. Dù bạn có tố chất đến thế nào đi nữa, nhưng nếu bạn không có môi trường để học tập, không có cơ hội để bắt đầu, không có một người Thầy giỏi để truyền thụ những kỹ năng cơ bản, thì tiềm năng của bạn sẽ như hạt giống bị bỏ quên trong kho, vĩnh viễn không được gieo mầm.
Kể cả khi đã bắt tay thực hiện thì đó mới chỉ là bước đầu sơ khởi mà thôi. Bạn cần nỗ lực và kiên trì không ngừng. Điều này khó lắm. Sẽ có rất nhiều người bỏ cuộc, lý do thì muôn vàn. Nếu đã thử một số môn nghệ thuật và thấy không thực sự phù hợp thì bạn dừng lại cũng là điều hợp lý. Nhưng nếu bạn biết mình có năng khiếu, bản thân cũng thích thú, vậy bạn hãy cố gắng và đừng nản chí. Hãy biết rằng ai cũng phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực luyện tập thì mới trở thành chuyên gia, ngay cả thiên tài cũng thế.
Việc thực hành có chủ đích rất khó khăn. Nhưng nó thực sự có tác dụng. Càng thực hành có chủ đích nhiều, bạn càng có năng lực tốt hơn.
(Trích sách “Giải mã tài năng”, tác giả Geoff Colvin)
Xem thêm: Cách vẽ tranh: “Em bé dạy bạn thỏ học bài”
Đặt hết tâm huyết và sống trong đam mê
Thiên tài Âm nhạc người Áo Wolfgang Amadeus, người được cho là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng, quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu (theo Wikipedia), từng giải thích về quá trình sáng tác của mình qua một bức thư được xuất bản bởi Tạp chí Âm nhạc tổng hợp Đức vào năm 1815 như sau:
When I am, as it were, completely myself, entirely alone, and of good cheer; say traveling in a carriage, or walking after a good meal, or during the night when I cannot sleep; it is on such occasions that my ideas flow best and most abundantly. All this fires my soul, and provided I am not disturbed, my subject enlarges itself, becomes methodized and defined, and the whole, though it be long, stands almost finished and complete in my mind, so that I can survey it, like a fine picture or a beautiful statue, at a glance. Nor do I hear in my imagination the parts successively, but I hear them, as it were, all at once. When I proceed to write down my ideas the committing to paper is done quickly enough, for everything is, as I said before, already finished; and it rarely differs on paper from what it was in my imagination.
Khi tôi như thể đang hoàn toàn là chính mình, hoàn toàn một mình và vui vẻ; chẳng hạn khi đi xe ngựa, hoặc dạo bộ sau một bữa ăn ngon, hoặc vào buổi đêm khi tôi không ngủ được; thì những lúc như vậy là khi mà ý tưởng của tôi tuôn trào nhất và dồi dào nhất. Tất cả những điều này làm bừng sáng tâm hồn tôi, miễn là tôi không bị làm phiền thì chủ đề sẽ rộng mở, trở nên có phương pháp và được xác định, và toàn bộ chúng dù có dài nhưng hầu như vẫn được hoàn thiện và trọn vẹn trong tâm trí tôi, để tôi có thể xem xét nó như thể một bức tranh đẹp hoặc một bức tượng đẹp chỉ trong nháy mắt. Tôi cũng không nghe thấy trong trí tưởng tượng của mình một bản các trình tự các phần nối tiếp nhau mà nghe thấy chúng dường như cùng một lúc. Khi tôi tiến hành viết xuống giấy những ý tưởng của mình, quá trình ấy tương đối nhanh, vì như tôi đã nói, chúng đã được hoàn thành trước đó rồi; và những gì trên giấy hiếm khi khác với những gì tôi đã tưởng tượng.
Khi thật sự chú tâm trong một môn sáng tạo nào đó, mình gần như “ám ảnh” bởi chúng. Ví dụ khi mình học thiết kế thời trang, mình đi đâu cũng chăm chú phân tích các loại vải trong cuộc sống. Nhìn thấy trang phục của người khác thì tự giác trong đầu mình hiện lên một sơ đồ cấu trúc của rập, cách may, kỹ thuật may, cách mặc, cảm giác khi mặc, cảm giác khi hoạt động trong bộ trang phục đó, rồi người mặc bộ đồ đó sẽ đi đâu, làm gì…
Có những lúc nghĩ mãi cũng không ra cách tối ưu nhất để may bộ cánh đó, tâm trí mình sẽ mãi không dừng suy nghĩ được. Nhưng lúc ấy cảm giác không phải đau đầu bế tắc, mà là một trạng thái “dòng chảy” rất tích cực. Rồi sau đó, chắc chắn một ý tưởng sẽ tới, một chỉ dẫn sẽ được nhìn ra, và mình hạnh phúc trong sự thăng hoa của trải nghiệm.
Mình nghĩ những ai đam mê đánh đàn cũng như thế. Tập mãi một đoạn không được thì sẽ cảm thấy thế nào? Rất có thể bản nhạc ấy, những nốt nhạc ấy sẽ vang mãi trong tâm trí, người ấy sẽ nghiêm túc tập trung vào mục đích của mình và nhìn thẳng vào lỗi mắc phải. Lắng nghe, sửa chữa, lắng nghe, sửa chữa, rồi đánh thành công được một đoạn nhỏ. Tiếp tục luyện tập, tiếp tục lắng nghe, đánh trơn tru được một đoạn dài hơn. Sau cùng ráp những đoạn nhỏ đã nỗ lực tập luyện lại với nhau, thành một bản nhạc hoàn chỉnh.
Luyện tập có mục tiêu sẽ hình thành kỹ năng, đó là điều mà không phải ai cũng biết hoặc đã từng trải nghiệm qua. Đối với mình mà nói, điều này cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn trở thành một người nghệ sĩ.
Xem thêm: Một con đường mới
Trạng thái tinh thần là quan trọng
Trong bài viết “Kỹ năng và Đức hạnh” trên trang Nghệ Thuật Biểu Diễn Thần Vận bản tiếng Việt có đoạn như thế này:
Trạng thái tinh thần của một diễn viên thực sự là điều quan trọng nhất. Và để đạt được trạng thái tinh thần tốt nhất đòi hỏi sự tu luyện tâm tính của một người. Chúng tôi tin rằng suy nghĩ và tâm thái của một diễn viên thay đổi theo đạo đức của mình. Nó giống câu thành ngữ xưa của Trung Quốc “bạn cần cả đạo đức và kỹ năng” (德術兼備, dé shù jiān bèi).
Phần trên mình đã nói đến kỹ năng, đó là điều nhất định phải có. Nhưng kỹ năng tốt chỉ giúp bạn trở thành một người thợ giỏi thôi. Để tác phẩm nghệ thuật của bạn “sống” và làm rung động người khác, thì tác phẩm đó phải có hồn. Cái hồn ấy đến từ đâu?
Mình tin rằng đến từ trạng thái tinh thần của người tạo nên chúng. Khi bạn sáng tác hoặc trình diễn, bạn đặt tâm mình ở đâu? Bất cứ môn nghệ thuật nào cũng có tiêu chuẩn riêng, nếu bạn trân trọng bộ môn nghệ thuật mình đang theo đuổi, bạn sẽ tuân thủ theo quy luật riêng của nó. Dù mỗi môn một vẻ riêng biệt, nhưng nếu chúng ta tin rằng nghệ thuật chân chính sẽ hướng đến cái hoàn mỹ nơi thế gian, làm cho cuộc sống sâu sắc và ý nghĩa hơn, vậy tác phẩm nghệ thuật đó phải khơi gợi được trong tâm người xem một xúc cảm thuần khiết và có tác dụng đề cao tinh thần, đúng không? Vậy tâm thái người nghệ sĩ cũng phải trong lành như nước, yên bình như mặt hồ Thu và tràn đầy những ý niệm trong sáng, đúng không nhỉ?
Viết đến đây lại nhớ đến buổi đầu học calligraphy, cô giáo đã chuẩn bị cho mình một thẻ tên rất xinh trên đó có tên Sophie và hình vẽ cụm hoa màu hồng (vì chị bạn cùng học bảo với cô giáo rằng Sophie thích màu hồng). Trong bộ dụng cụ cô chuẩn bị cho mình có một lọ mực màu “Mặt hồ”. Đó là thứ màu nhàn nhạt, phơn phớt xanh dương, có ánh nhũ. Thời điểm đó tâm mình không tĩnh, nên “mặt hồ” trong lòng mình dậy sóng liên miên, viết nét nào cũng xiêu vẹo hoặc cứng ngắc. Một thứ điều khiển bằng kỹ năng và thói quen, cố gắng khắc chế một nội tâm không an hòa, nhưng có che giấu được gì đâu? Nét chữ sẽ biểu hiện tường tận những đồ hình cảm xúc bên trong mình.
Bây giờ mình đã nghỉ học lớp calligraphy đó rất lâu rồi. Không còn giáo viên hướng dẫn, nhưng vì nội tâm mình an bình, nên “mặt hồ” đã dần phẳng lặng. Dần dần trong thinh lặng, những nét bút theo quy tắc Copperplate đã có thể hiển hiện qua từng trang, từng trang giấy, sau cùng đúc kết được những kỹ năng riêng cho bản thân. Mình sẽ có một mục về Calligraphy nên sẽ tích cực luyện viết và học hỏi thêm một số kiểu chữ mới để chia sẻ với mọi người. Nếu bạn nào cũng mê môn này, thì hãy giao lưu cùng mình nhé.
Thôi, chia sẻ đã dài, mình tạm ngưng tại đây. Đôi điều tủn mủn gửi tới bạn đọc như vậy thôi. Trong những bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ nói thêm về nhiều khía cạnh khác của nghệ thuật nữa nhé.
Thương mến,
Good morning Sophie.
2 comments
Đọc bài viết của em c rất cảm kích nguồn nội lực em đang có và khả năng truyền cảm hứng nhẹ nhàng cho những người như c 😘 cảm ơn em đã chia sẻ và chúc em luôn hạnh phúc với công việc và kỹ năng của riêng mình ❤️
Dạ em cám ơn chị Hà Lan của em nhiều lắm <3. Em hông ngờ người đầu tiên viết comment cho em trong Blog này lại là chị luôn, em cảm động quá. Nhờ những người ủng hộ chân tình như chị mà em mới có động lực để duy trì công việc chia sẻ và truyền cảm hứng này ạ. Em sẽ vững bước trên con đường nghệ thuật mình đã chọn, nên nếu được, chị hãy dồng hành cùng em nha <3.