Cuộc sống của bạn có cân bằng?

Ở Nhật Bản có một khái niệm mang tên "karoshi" - nghĩa là chết vì làm việc quá sức. Nhưng liệu đó có phải chỉ là vấn nạn tại Nhật hay không?

by Sophie Thanh Huyền

Good morning mọi người,

Sáng nay mọi người thức giấc vào lúc mấy giờ?

Mọi người có lập tức mở điện thoại để vào các nhóm chat với đồng nghiệp, xem email mới từ đối tác hay lướt FB ít nhất 15 phút trước khi đứng dậy kéo rèm để ánh nắng vào phòng hay không? Thật tiếc là sau khi là hết những điều tưởng chừng như bình thường đó, có lẽ ta chẳng còn đủ thời gian hay tâm trạng mà nói lời chúc buổi sáng hay gửi lời thăm hỏi tới người khác nữa. Những lo lắng về cuộc sống và vòng xoay cơm áo gạo tiền đổ ập trước mặt ta, nuốt chửng mọi dịu dàng và quan tâm ân cần…

dừng lại vài giây để nhìn nắng chiếu xuyên qua ly nước để tìm chút cân bằng trong cuộc sống - good morning Sophie

Cung kính đón mặt trời mọc hoặc dừng lại vài giây để nhìn nắng chiếu xuyên qua ly nước là điều xa xỉ của nhiều người như mình, vì cuộc sống quá bận rộn. Ảnh: Thuy Dang.

Mình không có số liệu thống kê, nhưng mình biết xung quanh mình đang có rất nhiều người rơi vào tình trạng lao lực vì công việc. Mọi người đều cố gắng tích luỹ tài sản thêm một chút, thêm một chút nhằm mong muốn có cuộc sống thoải mái hơn. Chúng ta hay nói về cái đủ, nhưng lại thực chất rất mơ hồ về mức độ. Không những “đủ” của mỗi cá nhân mỗi khác, mà cái “đủ” của mỗi người ở mỗi giai đoạn cũng khác. Đôi khi trong vài cuộc trò chuyện với bạn bè, mình nhận ra rằng họ dùng khái niệm “đủ” để gọi mục tiêu cao nhất họ muốn đạt được. Nhưng khi tới gần mục tiêu đó, họ lại muốn cố thêm, cố thêm nữa. 

Có hay không có sự đủ? Hay nói cách khác, người biết đủ sẽ thấy họ đã đủ đầy trong mọi hoàn cảnh rồi…?

Họ không có thời gian để cảm nhận từng khoảnh khắc của cuộc đời và chấp thuận đánh đổi tuổi trẻ, sức khoẻ, mối quan hệ… Những tối trước khi đi ngủ, nếu tỉnh táo, có lẽ cơn chạnh lòng sẽ xuất hiện. Nhưng quá mệt sau một ngày dài, giấc ngủ nhanh chóng ập đến trước khi kịp cảm nhận đủ đầy những nhu cầu của bản thân. Mà cũng có khi ngủ chính là cách để thoát khỏi sự đấu tranh giữa niềm kỳ vọng với nhu cầu của chính mình. Tạm quên có lẽ là cách nhanh nhất để không thấy hoang mang và sợ hãi. Thấm thoát lại nhiều năm trôi qua, sự mất cân bằng trong cuộc sống chỉ ngày một nặng hơn.

Một người bạn từ thuở cấp 3 của mình hôm qua đã hỏi:

Tại sao không có nhiều thứ cùng lúc bằng cách giảm kỳ vọng mỗi thứ ít đi.

Một người bạn trên FB của mình cũng từng bảo rằng một khi gặp biến cố khiến mất hết tất cả những gì mình đang có, nhiều người mới nhận ra bên trong họ là trống rỗng, chẳng còn gì, đến cả niềm tin cũng mất…

Cân bằng – hai từ này nói thì dễ nhưng làm theo thì rất khó. Vì chúng ta sống trong những ước mong viên mãn, nên buông bỏ bất cứ điều gì về lợi ích cũng gây đau đớn như khi khoan tim xẻo thịt. Giảm mong muốn mỗi thứ một chút là điều nhiều người chưa sẵn sàng phải nghe thấy.

 

cuộc sống cân bằng gồm những gì? Good morning Sophie

Chị Pan người H’Mông nói lên Sa Pa vào tháng 7, 8 mới thấy được lúa chín vàng và đúng thời điểm mọi người nhuộm chàm. Hay năm sau đi nhỉ? Ảnh: Good morning Sophie – Kodak ColorPlus 200.

Ảnh: Good morning Sophie – Kodak UltraMax 400.

Những chia sẻ trên chỉ là trăn trở của mình. Sau khi trưởng thành hơn, mình cũng đã không còn phán xét bất cứ sự lựa chọn nào trong đời người khác. Bởi như những người đi trước đã khuyên mình, rằng bài học của mỗi người khác nhau và mỗi người đều phải tự học bài học đời họ. Chỉ có thể khuyến Thiện, chỉ cần có mặt ở bên họ mà thôi. Hai chữ “cân bằng” đó, mình dành cho riêng mình. Quá trình nhận thức từ bên trong và thay đổi từ tư tưởng đến hành vi đó, mình cũng chỉ được quản chính mình mà thôi.

Xin gửi đến bạn 4 câu hát trong bài “Đông qua Xuân đến” (Viết lời: Bố Nhất; Soạn nhạc: Vệ Bình; Diễn xướng: Lương Vĩ) mà mình vừa nghe xong:

Gió xuân thổi
Đóa hoa nở
Đông qua xuân đến là thiên tượng
Sinh mệnh đi về đâu

You may also like

Leave a Comment